Nhiều ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi ngay sau Tết

Như tại Techcombank, mức lãi suất huy động cao nhất ở ngân hàng này là 9,2%/năm. Trong khi trước tết, con số này là 9,5%/năm.
Để hưởng được mức lãi suất 9,2%/năm, người gửi tiền phải là khách VIP loại 1 gửi tiền kỳ hạn từ 12 tháng với số dư tối thiểu là 3 tỷ đồng.
Các khách hàng thông thường gửi kỳ hạn 6 tháng giờ cũng chỉ được lãi suất 8,5%/năm, thay vì mức trên 9% như trước Tết.
Tại Sacombank, trước đây mức lãi suất cao nhất mà nhà băng này huy động là 9,8%/năm. Tuy nhiên, đến nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online, kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng.
Tại PVCombank cũng có hiện tượng tương tự. Trước đây, lãi suất cao nhất ở ngân hàng này là 9,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, đến hiện tại, loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm.
Saigonbank - ngân hàng đầu tiên niêm yết mức lợi tức tiền gửi lên đến 10,5%/năm trong năm ngoái cũng đã có hành động hạ lãi suất. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 9,5%/năm, áp dụng cho các khoản tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, cả online lẫn tại quầy.
Trước đây, theo chương trình "Gửi tiền hôm nay – Rinh ngay lãi suất", khi gửi tiền tại quầy ở BaoVietBank khách hàng có thể được nhận các mức lãi suất cao nhất là 9,8%/năm (kỳ hạn 6 tháng); 10,2%/năm (kỳ hạn 13 tháng); 10,3%/năm (kỳ hạn 15 tháng). Đến nay, chương trình này đã không còn mà mức lãi suất trên 9% đa phần cũng chỉ còn được áp dụng trên kênh online. Cụ thể, khi gửi tiền qua EzSaving/ BAOVIET pay ở kỳ hạn 6 tháng, khách hàng có thể nhận lãi suất cao nhất 9,3%/năm. Kỳ hạn 13 cùng 15 tháng sẽ có mức lợi tức cao nhất lần lượt là 9,5% và 9,4%.
OceanBank - một ngân hàng trước đây cũng đã từng niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên đến 10%/năm, hiện mức lợi tức cao nhất chỉ còn 9,2%/năm.
Ở khối big 4, lãi suất nhìn chung không có nhiều thay đổi so với trước tết. BIDV và VietinBank đều đang có lãi suất cao nhất 8,2%. Theo sau là Agribank 7,9%/năm, Vietcombank 7,4%/năm.
Theo TS Đinh Thế Hiển, mặc dù NHNN đã có yêu cầu khống chế lãi suất huy động dưới 9,5%/năm, song đây vẫn là một con số cao so với mọi năm. Dòng tiền vẫn đang và sẽ tìm đến tiết kiệm.
"Phổ lãi suất huy động trong quý I/2023 sẽ ở mức 6,5-7% đối với các ngân hàng lớn, chất lượng tốt và 8-9% đối với các nhà băng nhỏ. Dự kiến hết quý 2 thì lãi suất sẽ trở lại bình thường quanh 7%", ông Hiển nhận định.
Không ít chuyên gia đánh giá, giai đoạn quý IV, do có yếu tố mùa vụ là Tết, nên các doanh nghiệp phải tập trung vốn để sản xuất hàng hóa, kinh doanh. Người dân cũng có tâm lý dự trữ tiền mặt chi tiêu đón tân niên. Vì lẽ đó, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng có phần ít hơn. Các nhà băng vì để đảm bảo thanh khoản nên cũng phải chấp nhận huy động với lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, sau khi dòng tiền "du xuân" quay lại, tình hình thanh khoản đã bớt căng thẳng hơn. Các ngân hàng vì thế cũng không còn quá nhiều động lực để huy động với lãi suất cao, do đó đã hạ lãi suất đầu vào để có dư địa giảm lãi suất đầu ra.
Theo Nhịp Sống Thị Trường
TIN CŨ HƠN
- Phó Thống đốc: NHNN đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất
- Xăng dầu, giá thuê nhà đẩy CPI tháng 11 tăng 0,39%
- Tín dụng hệ thống đã tăng 11,5%, NHNN yêu cầu ngân hàng tích cực cho vay sản xuất kinh doanh
- Bất chấp bị kiểm soát, tín dụng bất động sản vẫn tăng 15,7%
- Nới room nhỏ giọt, khó đến lượt vay để đầu tư bất động sản
- Không nên đặt vấn đề siết hay cấm cho vay bất động sản
- Ảnh hưởng của Nga tới thanh toán của Việt Nam khi bị loại khỏi SWIFT
- Các ngân hàng bơm bao nhiêu vốn cho lĩnh vực bất động sản?
- Các ngân hàng sẽ được hưởng lợi gì từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế?
- USD, vàng và Bitcoin đều tăng giá trước thềm Năm mới